Vì sao các doanh nghiệp nhỏ cần luật sư hơn hết?

Đa số các chủ doanh nghiệp nhỏ thường khởi đầu với một số nguồn nhân lực cụ thể – thông dụng nhất là kế toán và nhân viên bán hàng – khi họ bắt đầu doanh nghiệp của mình, và tiếp tục sử dụng xuyên suốt hành trình kinh doanh của họ. Họ xem những nguồn nhân lực này là chi phí vận hành của đơn vị.

Tiếc thay, các chủ doanh nghiệp thường không có cách nhìn tương tự đối với luật sư. Một luật sư tư vấn là nguồn tài nguyên mà các chủ doanh nghiệp phải có trong danh sách chuyên gia của mình để tư vấn về nhiều vấn đề khác nhau. Nếu bạn đang là chủ doanh nghiệp, có những thời điểm bạn sẽ cần luật sư hơn lúc thông thường; tuy nhiên, việc luôn có một luật sư túc trực bên cạnh là vô cùng cần thiết.

Đừng chờ đến khi quá muộn!

Các chủ doanh nghiệp thường ngần ngại trong việc liên lạc với luật sư cho đến khi bị vướng vào những vấn đề “khó đỡ”. Đừng đợi mất bò mới lo làm chuồng: kiện tụng, dù bạn là nguyên đơn hay bị đơn, thường đắt đỏ, tốn nhiều thời gian và làm cho ta kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần.

Mặc dù việc có luật sư từ trước khi kiện tụng xảy ra sẽ phát sinh một số chi phí, con số này rất nhỏ bé so với chi phí tố tụng liên quan. Hơn thế, việc có luật sư tham gia từ đầu sẽ giúp bảo vệ tốt hơn những điểm yếu, và giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền trong dài hạn.

Luật sư có thể làm những gì cho bạn?

Luật sư có thể tư vấn cho bạn các vấn đề mà doanh nghiệp phải đối diện xuyên suốt sự tồn tại của nó; ví dụ như hình thức pháp nhân (tư nhân, TNHH hay cổ phần v…v.) sử dụng để vận hành công ty, các yếu tố pháp lý liên quan khi lựa chọn thuê nhân viên hay thuê nhà thầu, soạn thảo và đàm phán hợp đồng, đại diện làm việc với cơ quan nhà nước, hủy hợp đồng/sa thải nhân viên, hay khi bạn muốn mua hoặc sát nhập với một doanh nghiệp khác.

Khi doanh nghiệp không chắc chắn về một hành động dự định triển khai, hãy liên lạc với luật sư của mình để thảo luận về hành động ấy và các hệ quả pháp lý có thể xảy ra, cũng như lên kế hoạch dự phòng cho các tình huống có thể phát sinh. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh và việc có luật sư tham gia từ đầu sẽ tốt hơn nhiều so với “nước đến chân mới nhảy”.

Lấy ví dụ, hãy xem xét một luật sư có thể giúp doanh nghiệp như thế nào với các vấn đề liên quan đến hợp đồng. Hợp đồng là một phần tất yếu trong kinh doanh, nhưng nhiều doanh nghiệp không có luật sư rà soát hợp đồng trước khi ký; luật sư có thể chỉ ra những vấn đề cơ bản về điều khoản hợp đồng liên quan đến quyền và nghĩa vụ, thời hạn hợp đồng, giải quyết tranh chấp …

Cụ thể hơn, nếu hợp đồng của bạn không có điều khoản cấm tái chỉ định, đối tác của bạn có thể giao công việc đã thỏa thuận cho bên thứ ba – một đơn vị bạn không hề tin tưởng. Tương tự, luật sư có thể điều chỉnh hợp đồng yêu cầu các bên giải quyết tranh chấp tại cơ quan Trọng tài thay vì ra tòa, để tiết kiệm tài nguyên của doanh nghiệp trong trường hợp tranh chấp xảy ra. Đây là những điều đơn giản luật sư có thể giúp bạn trước khi ký hợp đồng, những điều sau này có thể giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền bạc.

Ở khía cạnh khác, sau khi hợp đồng đã ký kết, doanh nghiệp thường hành động vội vàng mà không tham khảo ý kiến tư vấn từ luật sư, ví dụ như ngừng thanh toán hay hủy hợp đồng trước hạn v…v. Có những trường hợp, điều khoản hợp đồng không cho phép đơn phương hủy hợp đồng trước khi cho bên còn lại cơ hội để sửa chữa những nội dung vi phạm hợp đồng.

Tương tự, nếu doanh nghiệp thuê có nhu cầu thuê nhà thầu độc lập, luật sư có thể soạn thảo hợp đồng dịch vụ cụ thể theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, bạn cũng nên tham khảo ý kiến luật sư trước khi chấm dứt hợp đồng với nhân viên hoặc nhà thầu độc lập. Cần thảo luận những nội dung này với luật sư để tránh đưa doanh nghiệp của bạn vào những rủi ro lớn hơn.

Mối quan hệ dài lâu

Hãy xem tương tác của bạn với luật sư là một tác nhân gây dựng quan hệ, thay vì đơn thuần là giao dịch cá nhân. Luật sư của bạn phải đầu tư thời gian nghiên cứu quy trình vận hành của doanh nghiệp để đưa ra ý kiến tư vấn phù hợp nhất. Qua quá trình làm việc, luật sư sẽ ngày càng hiểu rõ mục tiêu ngắn và dài hạn của doanh nghiệp. Theo thời gian, kiến thức này sẽ cho phép luật sư đưa ra ý kiến tư vấn chính xác và hiệu quả hơn.

Cũng vì thế, đừng ngại ngần yêu cầu thật cao đối với ý kiến tư vấn từ luật sư của doanh nghiệp. Tương đồng với mối quan hệ với các cố vấn kinh doanh khác, luật sư của bạn cần phải thêm giá trị cho doanh nghiệp bằng cách bảo vệ doanh nghiệp. Quan hệ giữa một luật sư giỏi và một chủ doanh nghiệp hiểu biết sẽ phát triển thành một trong những quan hệ kinh doanh quan trọng nhất của bạn.

“Có qua có lại mới toại lòng nhau”, luật sư tốt là người thẳng thắn nói cho bạn biết khi nào bạn có thể giải quyết vấn đề mà không cần sự tham gia của họ. Luật sư phải là người biết trân trọng bản chất dài lâu của mối quan hệ và không làm ảnh hưởng đến nó bằng cách tính phí dịch vụ đối với các công việc bạn có thể tự thực hiện. Tất nhiên, kể cả khi bạn tin rằng mình có thể tự xử lý vấn đề, bạn vẫn nên tham vấn luật sư của mình để cân nhắc vấn đề một cách vẹn toàn nhất.

Tóm lại, nếu bạn là chủ một doanh nghiệp nhỏ, luật sư tư vấn là một nguồn tài nguyên vững chắc mà bạn có thể tối ưu trong suốt vòng đời của doanh nghiệp. Luật sư là yếu tố cần thiết để bảo vệ lợi ích ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp – đồng thời tiết kiệm cho bạn thời gian và tiền của.

Hãy thay đổi tư duy của bạn: thù lao cho luật sư là chi phí vận hành doanh nghiệp, không phải cái giá cần trả cho những vấn đề bạn gặp phải.

 

 

No comments yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published.